CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN BÓN SÀI GÒN ME KONG

Tin tức thị trường

Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch mở rộng vùng cây ăn trái

Thời gian gần đây, các tỉnh ở ĐBSCL có chủ trương mở rộng quy hoạch sản xuất cây ăn trái nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thực tế cho thấy việc canh tác cây ăn trái mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa; vì vậy nhiều nông dân mạnh dạn hưởng ứng việc phát triển vườn cây ăn trái…

Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch mở rộng vùng cây ăn trái

Thời gian gần đây, các tỉnh ở ĐBSCL có chủ trương mở rộng quy hoạch sản xuất cây ăn trái nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thực tế cho thấy việc canh tác cây ăn trái mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa; vì vậy nhiều nông dân mạnh dạn hưởng ứng việc phát triển vườn cây ăn trái…

Tăng nhanh về diện tích

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có khoảng 1,13 triệu hecta cây ăn trái, riêng các tỉnh vùng ĐBSCL có 377.700ha, chiếm 33,3% so với cả nước. Cây ăn trái ở ĐBSCL được trồng khá đa dạng, mùa nào cũng có thu hoạch; trong đó, các đối tượng cây trồng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh… được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, qui mô lớn. Điển hình như vùng trồng thanh long tại Long An và Tiền Giang; xoài tại Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang; sầu riêng ở Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long; nhãn ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP Cần Thơ; bưởi da xanh ở Bến Tre, Sóc Trăng; bưởi năm roi ở Vĩnh Long; quýt đường ở Đồng Tháp, Hậu Giang; khóm (dứa) ở Tiền Giang, Hậu Giang và Kiên Giang; chôm chôm ở Bến Tre, Vĩnh Long; mít Thái ở Tiền Giang, Hậu Giang...

Có thể thấy, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Nếu như năm 2010, diện tích cây ăn trái toàn vùng là 287.300ha, thì đến năm nay là 377.700ha, tăng 90.400ha. Nhiều loại cây tăng mạnh về diện tích như thanh long, sầu riêng, khóm, xoài, chuối, bưởi, mít thái, chôm chôm… chứng tỏ cây ăn trái đang là lợi thế để người dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trái.

Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre) tiết lộ: “Mấy năm nay giá bưởi da xanh dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, có lúc vượt lên 55.000 đồng/kg. Cùng với giá cao thì bưởi da xanh luôn hút hàng, thương lái tìm đến vườn để thu mua. Chính điều này mà 8 công bưởi da xanh của tôi đảm bảo thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, so ra cây lúa hoặc một số loại cây khác không bằng được”. Ông Đặng Văn Nám, ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) khoe: “Tôi trồng bưởi da xanh từ năm 2010. Đến năm thứ 5, 8 công vườn bưởi trái sai oằn, thương lái vào tận vườn mua với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg. Thấy bưởi da xanh rất hiệu quả nên tôi mở rộng lên 32 công, cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng mỗi năm; số tiền trong mơ đối với người dân nông thôn”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của ĐBSCL, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp hiện có diện tích trồng xoài khoảng 12.171ha, lớn nhất vùng ĐBSCL, với sản lượng hàng năm gần 124.000 tấn. Để quy hoạch loại cây thế mạnh này, ngay từ những năm 2005 - 2006, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng; ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, xây dựng “Mô hình cây xoài nhà tôi” bán hàng qua mạng.

Từ đó, đã hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Đồng Tháp đã lựa chọn cây xoài là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người trồng xoài.

Hướng tới mục tiêu bền vững

Quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định đến năm 2030, diện tích canh tác lúa toàn vùng ĐBSCL còn 1,6 triệu hecta (giảm khoảng 300.000ha, để chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản). Diện tích trồng lúa khi đó mỗi năm còn khoảng 3,1 triệu hecta (giảm 1 triệu hecta do giảm diện tích canh tác và giảm tăng vụ); sản lượng lúa dự kiến giảm còn 17,3 triệu tấn/năm (giảm khoảng 6,3 triệu tấn). Việc giảm đất lúa nhằm đẩy mạnh phát triển cây ăn để phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân.

Dự kiến đến 2030, sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái tại ĐBSCL lên khoảng 650.000ha, ở các vùng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả do bị xâm nhập mặn, khu vực có địa hình cao... Ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu và ứng dụng các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân các biện pháp canh tác bền vững, giảm chi phí; tăng cường liên kết giữa nông dân và các hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song đó, đầu tư nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản; hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến trái cây công nghệ cao gắn với vùng chuyên canh và các trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, tiến hành xây dựng vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đáp ứng các yêu cầu mới của các thị trường nhập khẩu; thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường mới để tăng cường xuất khẩu…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Song hành cùng việc đầu tư nâng cao chất lượng cây trái thì ngành nông nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện việc rải vụ, nhằm tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt dẫn tới rớt giá”. Hiện nay, việc rải vụ trái cây đã được các tỉnh ĐBSCL quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ. Thống kê cho thấy, hiệu quả kinh tế của 5 loại cây được chọn để rải vụ gồm (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng từ 1,5 - 2 lần so sản xuất chính vụ.

Tuy nhiên việc mở rộng diện tích trồng cây ăn trái cũng bộc lộ những hạn chế như nhiều vườn có nguồn giống chất lượng thấp; trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất; sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại… Nhưng đáng chú ý nhất là việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát. Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định. Vấn đề chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Trong khi đó các địa phương lại chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm... Đây là những nhược điểm cần khắc phục trong thời gian tới.

nguồn: https://nongthonviet.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-quy-hoach-mo-rong-vung-cay-an-trai.ngn